Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 10 năm 2024 - Nhà đầu tư và Startup cùng đối thoại tại Hội thảo “Nguồn & Vốn": “Khi dưới 1% startup nhận được đầu tư, 99% còn lại vượt qua “mùa đông gọi vốn” ra sao?”
Ngày 24 tháng 10 năm 2024, tại BLOCK71 Saigon, TP.HCM, sự kiện Hội thảo “Nguồn & Vốn” do công ty tư vấn Emakase kết hợp cùng các đối tác tổ chức đã thu hút hơn 70 khách mời tham gia trong đó có các nhà đầu tư, nhà sáng lập và các đại diện các đơn vị khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Emakase là một công ty tư vấn chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn gọi vốn đầu tư, quản trị và chiến lược doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như tư vấn triển khai các chương trình đổi mới sáng tạo cho các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam.
Với việc tổ chức Hội thảo lần này, Emakase hy vọng đây là dịp để các chuyên gia chia sẻ về cách doanh nghiệp khởi nghiệp có thể xây dựng nội lực và chuẩn bị nguồn lực trước bối cảnh thị trường đầu tư thắt chặt dòng tiền, thường gọi là “mùa đông gọi vốn.”
Hội thảo đã diễn ra với 2 phiên thảo luận, phiên “Nguồn” với diễn giả là nhà sáng lập các startup đã từng gọi vốn đầu tư và phiên “Vốn" với diễn giả là đại diện các quỹ đầu tư đã quá trình đầu tư vào các startup tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng có sự tham gia chia sẻ về hành trình khởi nghiệp và gọi vốn đầu tư của ông Bùi Hải Nam, đồng sáng lập và CEO của công ty Sổ Bán Hàng.
Trong phiên thảo luận “Nguồn", ông Nghĩa Vũ, Co-founder & CEO tại Bizzi chia sẻ rằng nhiều quỹ đầu tư thường đặt kỳ vọng quá cao, mong muốn startup tăng trưởng 100 lần, điều này khiến họ khó tìm được đối tác phù hợp vì kỳ vọng không thực tế cho thấy họ không hiểu rõ thị trường và doanh nghiệp tại Việt Nam. Với Bizzi, chúng tôi theo triết lý "an cư tư nguy" — khi tình hình tốt là lúc chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Do đó, khi huy động vốn, chúng tôi không nhằm mục tiêu tăng trưởng, mà là để đảm bảo ổn định trong kịch bản thị trường suy thoái.
Bà Nguyễn Thị Hương Giang, nhà sáng lập và giám đốc điều hành ứng dụng đầu tư thông minh Tititada cho rằng để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần xây dựng mô hình kinh doanh dài hạn, không chỉ chạy theo yêu cầu nhất thời của nhà đầu tư. “Từ giờ cho đến lúc thị trường hồi phục lại một chút thì mình quay lại với cái nội lực của mình, cái gì cần làm và có thể làm được thì làm và làm trong một cái tâm thế vừa làm vừa kiểm soát chi phí.”
“Trong gọi vốn quan trọng nhất là xây dựng được traction (kết quả kinh doanh) từ sớm và thứ hai là tìm được những nhà đầu tư hợp ‘khẩu vị’ để có độ tin cậy cao,” ông Trần Văn Viển, đồng sáng lập Filum.ai, chia sẻ. Ông Viển trước đây là co-founder của Base.vn, nền tảng quản trị doanh nghiệp đã được sáp nhập vào tập đoàn FPT vào năm 2021.
Ở phiên thảo luận “Vốn", đại diện từ ITI Fund, Do Ventures và VIISA cũng cho biết mỗi năm các quỹ đầu tư này tiếp xúc tới hàng trăm doanh nghiệp, tuy nhiên chỉ có 0.5-1% trong số đó là được nhận đầu tư. Các startup này sẽ phải đáp ứng các yếu tố về sản phẩm, thị trường, tăng trưởng, đặc biệt là yếu tố về con người, bao gồm cả nhà sáng lập và đội ngũ, để có thể tiến tới một thương vụ thành công.
Với ông Trúc Trần, Investment Manager tại Do Ventures, thì đối với các nhà đầu tư, đầu tư vào startup giai đoạn đầu giống như tìm kiếm một đối tác tiềm năng, nơi yếu tố con người đóng vai trò then chốt. Chọn đúng người sáng lập không chỉ dựa vào tiềm năng lợi nhuận mà còn là cảm nhận về khả năng hợp tác, chia sẻ giá trị chung và sự kiên trì trong hành trình dài hạn. Đầu tư vào một người phù hợp giúp giảm thiểu rủi ro, nhưng vẫn cần sẵn sàng chấp nhận những rủi ro không thể kiểm soát—một phần tất yếu trong đầu tư mạo hiểm.
Theo bà Kimmy Đặng, Giám đốc tại ITI Fund gửi tới một lời nhắn nhủ đến các startup: “Founder và nhà đầu tư luôn ở cùng một con thuyền. Khi doanh nghiệp phát triển tốt, cả hai bên đều có lợi, và đó mới là thành công thực sự.” Các nhà đầu tư không nhất thiết phải biết rõ hơn nhà sáng lập về doanh nghiệp. Thực tế, người hiểu rõ nhất về hoạt động và mục tiêu của startup chính là founder. Trong đầu tư, không có mối quan hệ nào là vô ích, và duy trì quan hệ tốt với các nhà sáng lập là nền tảng thành công dài hạn. Dù một thương vụ có không đạt kỳ vọng, việc kết nối và hợp tác vẫn là giá trị lâu dài.
Theo ông Võ Trần Đình Hiếu, thành viên Hội đồng Quản trị VIISA, để có một cuộc hợp tác hiệu quả, nhà sáng lập cần chia sẻ rõ ràng và đầy đủ về chiến lược kinh doanh, không chỉ kể một câu chuyện hoàn hảo hay tạo dựng hình ảnh bóng bẩy. Nếu hai bên không đạt được sự chân thật và cởi mở này, các cuộc trao đổi sẽ trở nên nửa vời, không đạt đến sự tin tưởng cần thiết, và thường dẫn đến khoảng cách không thể lấp đầy. Đầu tư là quá trình dài hạn; chỉ khi có được nền tảng chia sẻ thông tin trung thực, mối quan hệ hợp tác mới có thể phát triển bền vững.
Trong phần chia sẻ của mình, Ông Bùi Hải Nam khẳng định rằng việc có chiến lược rõ ràng về thoái vốn và khả năng sinh lời là điều cần thiết để xây dựng niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh khan hiếm vốn. Những kinh nghiệm từ lần gọi vốn thành công của Sổ Bán Hàng đã giúp ông hiểu rằng việc duy trì startup không chỉ phụ thuộc vào số vốn gọi được mà còn vào khả năng quản lý tài chính và tối ưu hóa nguồn lực nội tại. Bên cạnh đó, ông Nam cũng cho biết thêm rằng trong những thời điểm khó khăn nhất, dù được đầu tư bao nhiêu tiền ở vòng gọi vốn cũng là đáng quý và có thể giúp startup đó thêm một cơ hội sống sót và hồi sinh.
Thấu hiểu những thách thức này, trong khuôn khổ Hội thảo, Emakase cũng đã cho ra mắt chương trình Phát triển doanh nhân Em Base Camp với mục tiêu đồng hành cùng các startup ở giai đoạn sớm - nhóm cần được giúp đỡ nhiều nhất. Mỗi startup sẽ không phải bỏ ra cổ phần để tham gia chương trình và sẽ được thiết kế lộ trình phát triển riêng biệt trong sáu tháng cùng với đội ngũ tư vấn và chuyên gia của Emakase.
Ông Nguyễn Minh Phúc, Giám đốc điều hành Emakase, chia sẻ: “Các phương tiện truyền thông thường nhắc đến những startup gọi vốn thành công, nhưng ai sẽ nói về những doanh nghiệp chưa nhận được đầu tư và họ chiếm bao nhiêu phần trăm? Em Base Camp được thành lập để hỗ trợ nhóm khởi nghiệp chưa được nhắc đến, giúp họ xây dựng nền tảng vững chắc để một ngày có thể gọi vốn thành công.”
Một điểm khác biệt của Em Base Camp là mô hình Expert-in-Residence (EIR), nơi các nhà sáng lập được làm việc cùng các chuyên gia tư vấn đầu ngành của Emakase. Chương trình sử dụng đội ngũ chuyên gia với kinh nghiệm tư vấn nhiều lĩnh vực, nhiều dự án đã thực hiện của Emakase giúp các startup giải quyết các vấn đề thực tiễn và chuyên sâu như phát triển sản phẩm, chiến lược tiếp cận thị trường và quản trị tài chính.
Em Base Camp hiện đã mở đơn đăng ký tham gia và dự kiến khởi động khoá đầu tiên vào tháng 1 năm 2025. Các startup quan tâm có thể tham khảo thông tin chi tiết chương trình tại: https://www.emakase.co/vi/ebc