-
 min read

Từ ý tưởng đến startup công nghệ

Share

Anh Bùi Hải An là một doanh nhân và chuyên gia công nghệ với hơn một thập kỷ kinh nghiệm trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. 

Trước đó, anh An là Phó Tổng Giám đốc Timo, đóng góp vào việc xây dựng các giải pháp tài chính số tiên tiến." Anh cũng sáng lập Silicon Straits Saigon (SSS), một startup công nghệ tập trung phát triển các sản phẩm quốc tế và xây dựng cộng đồng chuyên gia công nghệ tại Việt Nam. Sau đó, anh thành lập MSV Tech, chuyên về tự động hóa hệ thống bán lẻ, được chuỗi cửa hàng 7-Eleven mua lại. Với tinh thần sáng tạo và tầm nhìn chiến lược, anh Bùi Hải An không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp mà còn góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và công nghệ tại Việt Nam. 

Khi chia sẻ với đội ngũ Emakase về hành trình khởi nghiệp công nghệ, anh Hải An nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bắt đầu từ một vấn đề thực tế. Theo anh, nhiều nhà sáng lập thường “falling in love with solution,” lao vào xây dựng sản phẩm mà bỏ qua việc tìm hiểu kỹ lưỡng về vấn đề thực sự của thị trường. Thay vào đó, họ cần đặt trọng tâm vào những vấn đề thực sự cấp bách – những khó khăn mà chính nhà sáng lập có thể cảm nhận được và thị trường đang thiếu giải pháp hiệu quả. 

Một ý tưởng thành công không nằm ở sự hấp dẫn của giải pháp, mà ở việc nó giải quyết một vấn đề mà người dùng sẵn sàng trả tiền để khắc phục. Anh Hải An chia sẻ rằng, để đảm bảo ý tưởng công nghệ khả thi trước khi bắt tay vào phát triển, nhà sáng lập cần tập trung vào hai quá trình then chốt:

💡Quá trình customer development (khai thác khách hàng): gặp gỡ và lắng nghe từ những khách hàng tiềm năng để xác định “Vấn đề mà người dùng gặp phải là gì? Các giải pháp hiện tại có thực sự hiệu quả không?" Thông qua đó, nhà sáng lập sẽ xác định được liệu vấn đề có đủ lớn để đầu tư vào phát triển giải pháp công nghệ và đảm bảo rằng sản phẩm ra đời sẽ là thứ mà người dùng đang cố gắng tìm kiếm trên thị trường. 

💡Quá trình validation (kiểm chứng ý tưởng): ngoài việc kiểm chứng tính khả thi của sản phẩm khi đưa ra thị trường, quá trình này còn bao gồm việc xây dựng sản phẩm mẫu (MVP) để thử nghiệm và nhận phản hồi thực tế từ khách hàng. Đây là một quá trình lặp lại nhiều lần và liên tục, sau mỗi lần gặp gỡ khách hàng, kiểm chứng khả năng đáp ứng và giải quyết vấn đề của sản phẩm. 

Anh Hải An nhấn mạnh rằng, sự thành công của một sản phẩm công nghệ bắt nguồn từ việc đối thoại và hiểu rõ nhu cầu thực sự của khách hàng. Quá trình này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian, mà còn đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.